CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ VĨNH PHÚC
GIAI ĐOẠN 2021 – 2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
- Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc tiền thân là một trung tâm đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ ngành xây dựng được thành lập tháng 11/1998, trực thuộc Sở xây dựng Vĩnh Phúc. Ngày 04/5/2000, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ký quyết định số 760/QĐ-UB về việc thành lập trường Đào tạo nghề Vĩnh Phúc trên cơ sở nâng cấp Trung tâm đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ ngành xây dựng và chuyển giao quyền quản lý nhà nước từ ngành Xây dựng sang ngành lao động TB&XH.
- Thực hiện luật dạy nghề ban hành ngày 29/11/2006, nhà trường đã nâng cấp chuyển đổi thành trường Trung cấp nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc tại quyết định số 498/QĐ-UBND ngày 12/02/2007 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
- Ngày 03/7/2007 Nhà trường đã được nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề Việt - Đức Vĩnh Phúc tại quyết định số 922/QĐ-BLĐTBXH ngày 03/7/2007 của Bộ lao động TB&XH, đến ngày 15/10/2014 đổi tên thành Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc theo Quyết định số 1335/QĐ-BLĐTBXH
I. BỐI CẢNH KINH TẾ XÃ HỘI
1.1. Điều kiện tự nhiên của Tỉnh Vĩnh phúc
Vĩnh Phúc là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.
Tỉnh Vĩnh Phúc có diện tích tự nhiên 1.235,87 km2 (theo niên giám thống kê năm 2018), phía Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên, phía Tây giáp tỉnh Phú Thọ, phía Nam giáp thủ đô Hà Nội, phía Đông giáp 2 huyện Sóc Sơn và Đông Anh - Hà Nội, dân số 1.151.154 người (theo kết quả điều tra dân số và nhà ở năm 2019), có 41 dân tộc anh, em sinh sống trên địa bàn tỉnh trong đó chủ yếu là các dân tộc: Kinh, Sán Dìu, Nùng, Dao, Cao Lan, Mường. Tỉnh có 9 đơn vị hành chính: 2 thành phố (Vĩnh Yên, Phúc Yên) và 7 huyện (Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc, Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên); 137 xã, phường, thị trấn.
Vĩnh Phúc nằm trên Quốc lộ số 2 và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, là cầu nối giữa vùng trung du miền núi phía Bắc với Thủ đô Hà Nội, liền kề cảng hàng không quốc tế Nội Bài, qua đường Quốc lộ số 5 thông với cảng Hải Phòng và trục Đường 18 thông với cảng nước sâu Cái Lân. Vĩnh Phúc có vị trí quan trọng đối vùng KTTĐ Bắc Bộ, đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, kinh tế Vĩnh Phúc phát triển góp phần cùng Thủ đô Hà Nội thúc đẩy quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm và các nhu cầu về xã hội.
Vĩnh Phúc đã trở thành một bộ phận cấu thành của vành đai phát triển công nghiệp các tỉnh phía Bắc, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ trước sự lan toả của các KCN của Hà Nội như Bắc Thăng Long, Sóc Sơn, Quang Minh... Sự hình thành và phát triển các tuyến hành lang giao thông quốc tế và quốc gia đã đưa tỉnh xích gần hơn với các trung tâm kinh tế, công nghiệp và những thành phố lớn của đất nước như: Hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, hành lang đường 18 và trong tương lai là đường vành đai IV thành phố Hà Nội...
Vị trí địa lý thuận lợi tạo cho Vĩnh Phúc nhiều điều kiện và cơ hội phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư và sử dụng một lực lượng lớn lao động. Với lực lượng lao động dồi dào nếu khai thác tốt sẽ là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời là nơi cung cấp đội ngũ lao động cho Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.
1.2. Một số chỉ tiêu phát triển chung.
Do thực hiện tốt chính sách phát triển kinh tế, mở cửa và thu hút đầu tư, từ năm 1997 đến nay, kinh tế của Vĩnh Phúc phát triển với tốc độ khá cao, bình quân 7,1%/năm, cao hơn bình quân cả nước và tương đương với các tỉnh, thành phố. Quy mô GRDP tăng cao , năm 2020 ước đạt 122,68 nghìn tỷ đồng; gấp 1,56 lần năm 2015; GRDP bình quân đầu người ước đạt 105 triệu đong năm 2020. Thu ngân sách nhà nước đạt cao, tăng bình quân 5,6 %/năm vượt mục tiêu đại hội đề ra và luôn đứng tốp đầu trong cả nước về thu nội địa, là tỉnh trong nhóm có tỷ lệ điều tiết về trung ương cao.
Tăng trưởng ngành công nghiệp – xây dựng ước đạt 10,61%/năm, đóng góp trên 65% điểm tăng trưởng chung của tỉnh. Tăng trưởng ngành dịch vụ giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 6,21%/năm. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản được tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, đạt mức tăng trưởng bình quân 1,8%/năm nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu Đại hội đề ra.
Phát triển đô thị và chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục đượ quan tâm và đạt được nhiều tiến bộ quan trọng; sự hợp tác với các địa phương trong vùng và các tỉnh lân cận được củng cố tăng cường nhưng tốc độ đô thi hóa vẫn còn chậm.
Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; thu hút đầu tư đạt 2,86 tỉ USD vốn FDI và 56,27 nghìn tỉ đồng vốn DDI. Số lượng doanh nghiệp thực tế đang hoạt động không nhiêu, hầu hết có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm 97,3%, tập trung ở lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ.
1.3. Thực trạng phát triển văn hoá- xã hội.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội nhất là các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông) được quan tâm. Tỉnh đã hỗ trợ bảo hiểm y tế cho 1,31 triệu lượt đối tượng, nâng tỷ lệ người dân tham gia BHYT từ 71,19% năm 2015 lên 93% năm 2020. Giáo dục và đào tạo liên tục phát triển, luôn xếp trong tốp đầu cả nước. Tính đến năm 2019, 100% các trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; năm học 2019 - 2020, Vĩnh Phúc đứng thứ 5 toàn quốc về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT, đứng thứ 4 toàn quốc về tỷ lệ học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Học sinh Vĩnh Phúc đạt nhiều huy chương trong các kỳ thi quốc gia, Olimpic khu vực và quốc tế. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 76%, tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 còn 0,98%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm thường xuyên, đến năm 2019: 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia, số giường bệnh/vạn dân năm 2020 ước đạt 39 giường bệnh, đạt 13,8 bác sỹ/vạn dân.
Cùng với sự phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá- xã hội của tỉnh cũng đạt được những kết quả khá. Bảo đảm chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là giải quyết việc làm , giảm nghèo được đặc biệt quan tâm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm nhanh còn dưới 1%. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm thường xuyên.
Giáo dục – đào tạo tiếp tục phát triển, giữ chất lượng ổn định. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực, phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá học sinh được đổi mới. Tỷ lệ học sinh THCS vào THPT năm 2020 đạt 70%; tỷ lệ học sinh THCS vào học nghề ước đạt 26,1%.
Phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng, công nghệ thông tin được đặc biệt quan tâm, hạ tang công nghệ và truyền thông phát triển mạnh mẽ, chính quyền điện tử được từng bước triển khai.
1.4. Tình hình đào tạo nghề của tỉnh Vĩnh phúc.
Tính đến hết tháng 6/2021 trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 36 cơ sở dạy nghề bao gồm:
- 07 Trường cao đẳng, trong đó 06 Trường Cao đẳng được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm gồm: Trường Cao đẳng nghề Vĩnh phúc; Trường Cao đẳng Cơ khí Nông nghiệp; Trường Cao đẳng nghề Việt Xô số 1, Trường Cao đẳng nghề số 2 – BQP; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Vĩnh Phúc; Trường Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại
- 03 Trường trung cấp nghề;
- 13 trung tâm dạy nghề;
- 07 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 06 cơ sở khác có hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Giai đoạn 2015-2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã được đầu tư trang thiết bị dạy nghề; có 6 trường cao đẳng, trung cấp được lựa chọn ngành, nghề trọng điểm với 10 ngành, nghề cấp độ quốc gia, 6 ngành nghề cấp độ khu vực ASEAN và 11 ngành nghề cấp độ quốc tế. Từ năm 2012 nay, toàn tỉnh có 332 giáo viên giáo dục nghề nghiệp được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng đào tạo nghề, 106 lượt cán bộ quản lý, giáo viên được đào tạo bồi dưỡng dạy thí điểm tại Pháp và Úc. Chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề đã có những chuyển biến tích cực, tạo bước chuyển mạnh mẽ về chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ của người lao động và nhu cầu của doanh nghiệp, đồng thời, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và chỉ số đào tạo lao động PCI, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào Vĩnh Phúc.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh, đặc biệt là phát triển công nghiệp, việc nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực là đặc biệt quan trọng, trong đó có trách nhiệm của Trường cao đẳng nghề Vĩnh phúc.
II. ĐÁNH GIÁ CHUNG
2.1. Điểm mạnh
- Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc là một trường cao đẳng trực thuộc UBND tỉnh Vĩnh Phúc, đã được Tổng cục dạy nghề - Bộ lao động TB&XH; UBND tỉnh Vĩnh Phúc quy hoạch phát triển thành trường được đầu tư trọng điểm trở thành trường chất lượng cao, nên Nhà trường đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của UBND và các ban ngành trong tỉnh Vĩnh Phúc. Năm 2010 trường đã được Bộ lao động TB&XH kiểm định chất lượng dạy nghề và đạt cấp độ 3.
- Trường là 1 trong 11 trường được đầu tư trọng điểm từ nguồn vốn ODA của CHLB Đức với tổng dự án đầu tư là 2 triệu EUR. Tại quyết định số 826/QĐ-LĐTBXH ngày 07/7/2011 trường đã được Bộ lao động TB&XH phê duyệt là một trong các trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 và trở thành trường chất lượng cao giai đoạn 2015 – 2020.
- Các chương trình dạy nghề của Nhà trường được xây dựng theo chương trình khung của Bộ lao động TB&XH, hàng năm Nhà trường đã thực hiện việc rà soát điều chỉnh chương trình dạy nghề cho phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Trong quá trình tiến hành rà soát, điều chỉnh chương trình dạy nghề đều có sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp sản xuất và các chuyên gia ngoài trường.
- Nhà trường có đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ, năng động, tinh thần nhiệt tình, ý thức trách nhiệm cao, say mê với nghề nghiệp, ham học hỏi, có trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển của trường (trên 60% giảng viên có trình độ thạc sỹ trở lên)
- Trường được xây dựng trên 02 khu đất rộng 4,857 ha được chia ra làm khu A và khu B và nằm ở trung tâm thành phố, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc được đầu tư đồng bộ nên đã đáp ứng được cho công tác tạo nghề trong giai đoạn hiện nay.
- Trong công tác nghiên cứu khoa học của Nhà trường có phòng chuyên trách với chức năng triển khai thực hiện nghiên cứu khoa học và phát triển dự án, hợp tác Quốc tế trong lĩnh vực đào tạo
- Nhà trường đã có mối quan hệ mật thiết với một số các trường Đại học để tổ chức liên kết đào tạo như: Đại học Kiến Trúc, Đại học Thái Nguyên, Đại học SPKT Nam Định, Đại học SPKT Hưng Yên và các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh như: Tập đoàn FOXCOM, TOYOTA, HONDA, VIPIC, CANON …
- Trường nằm trong tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nên có nền công nghiệp phát triển với các hệ thống khu công nghiệp phát triển đồng bộ
2.2. Điểm yếu
- Cơ chế tài chính còn hạn chế, chưa có điều kiện để thực hiện các chính sách thu hút được người giỏi, người có học hàm, học vị về làm việc.
- Mặc dù có mối quan hệ với một số trường cùng cấp của nước ngoài, một số tổ chức quốc tế có liên quan đến đào tạo, tuy nhiên chưa có hợp đồng ký kết cụ thể trong đào tạo.
- Chất lượng đầu vào của học sinh, sinh viên còn thấp, ý thức học tập của học sinh còn chưa tốt cho nên việc quản lý học sinh, sinh viên trong quá trình đào tạo còn nhiều khó khăn.
- Trang thiết bị đào tạo của nhà trường tuy đã được bổ sung thường xuyên nhưng chưa cập với thực tế sản xuất của các doanh nghiệ, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Kinh phí ngân sách cấp cho đào tạo còn hạn hẹp, mức thu học phí thấp, trong khi đó vật tư thiết bị chi phí phục vụ cho đào tạo ngày càng tăng.
2.3. Cơ hội
- Quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế đang tạo cơ hội thuận lợi cho nhà trường có thể tiếp cận với các nền giáo dục tiên tiến học tập kinh nghiệm để đổi mới và phát triển
- Đất nước hội nhập ngày càng sâu, rộng vào cộng đồng quốc tế. Các chính sách "mở cửa" của nhà nước ngày càng thông thoáng, tạo cơ hội lớn cho nhà trường "đi tắt, đón đầu" để sớm có các chương trình, giáo trình tiên tiến và sớm đào tạo được nguồn nhân lực kỹ thuật cao đạt trình độ khu vực và trên thế giới.
- Chủ trương xã hội hoá giáo dục của Nhà nước đang mở ra cho Trường nhiều cơ hội mới.
- Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Đề án “Phát triển trường cao đẳng chất lượng cao đến năm 2025” - phát triển trường cao đẳng chất lượng cao theo hướng “mở”. Nhà nước có cơ chế, chính sách đặc thù, hỗ trợ đầu tư cho các trường được lựa chọn để đạt tiêu chí của trường cao đẳng chất lượng cao.
- Trường đã tạo dựng được uy tín đối với xã hội (với Bộ ngành TW, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và nhân dân trong khu vực biết đến), cho nên các hoạt động của trường được các cấp quản lý và nhân dân trong vùng ủng hộ.
- Trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra mạnh mẽ, trường có nhiều cơ hội đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển, thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp, đối tác và khả năng liên kết với các trường đại học, cao đẳng uy tín trong nước và trong khu vực .
2.4. Thách thức
- Sự cạnh tranh giữa các trường trong tỉnh Vĩnh Phúc tạo khó khăn cho công tác tuyển sinh.
- Trình độ ngoại ngữ đầu vào của học sinh, sinh viên chưa đáp ứng được yêu cầu tham gia học chương trình đào tạo chất lượng cao.
- Cơ sở vật chất của một số nghề còn hạn chế, các nguồn lực tài chính còn hạn hẹp đã ảnh hưởng đến việc ứng dụng phương pháp dạy và học mới, đến nguồn lực cho đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý.
- Tư duy quản lý của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, dạy và học vẫn còn bị ảnh hưởng khá nặng của cơ chế bao cấp. Quan niệm về ngành nghề trong tư tưởng người học vẫn mang nặng bằng cấp.
III. SỨ MẠNG, TẦM NHÌN VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG
Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Phúc là nơi cung cấp cho người học các chương trình đào tạo tiên tiến trong các chuyên ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin, kinh tế và có tính thực tiễn cao trong ứng dụng; đảm bảo cho người học khi tốt nghiệp có đủ phẩm chất và năng lực để trở thành những người người lao động kỹ thuật giỏi; có đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường lao động và khả năng thích ứng với một nền kinh tế tri thức hội nhập toàn cầu.
3. 1. Sứ mạng
Đào tạo lao động kĩ thuật chất lượng cao có năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; có đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỉ luật, tác phong công nghiệp, lao động sáng tạo, có năng lực hợp tác, năng lực tự học, ngoại ngữ và tin học, có sức khoẻ nhằm tạo điều kiện cho người học nghề sau khi tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
3. 2. Tầm nhìn
Năm 2025 là một trong 70 Trường cao đẳng nghề chất lượng cao trong cả nước là một trong 40 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4. Phấn đấu trở thành trường Đại học đào tạo kỹ sư thực hành, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đa cấp, đa ngành. Phát triển và đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua chương trình đào tạo nguồn nhân lực theo hướng nghề nghiệp ứng dụng đạt chuẩn Quốc tế. Mở rộng hợp tác với các nước trong khu vực và trên thế giới.
3.3. Phương châm hành động
Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho giảng viên, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên, vì lợi ích của cộng đồng và xã hội.
IV. NHIỆM VỤ
- Đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao ở cả 3 cấp trình độ là: Trình độ Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề và Sơ cấp nghề
- Nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
- Cung cấp các dịch vụ tư vấn và bồi dưỡng nhằm cập nhật và nâng cao kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp cho các nhà doanh nghiệp hoặc cán bộ kỹ thuật của các tổ chức kinh tế xã hội và các địa phương.
- Hợp tác với các trường cao đẳng, đại học, các viện nghiên cứu, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trong và ngoài nước trong đào đạo nhân lực kỹ thuật cao. Nghiên cứu khoa học và triển khai các dự án phát triển đào tạo nghề.
V. MỤC TIÊU GIAI ĐOẠN 2021 – 2025
- Quy mô đào tạo hàng năm: khoảng 4.800 - 5.200 học sinh, sinh viên; tỷ lệ người học hoàn thành chương trình đào tạo là 90%.
- Trình độ nhà giáo: 100% giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, 90% giáo viên dạy nghề được cấp nhật kiến thức, kỹ năng, công nghệ tại doanh nghiệp có các ngành nghề liên quan.
- Triển khai hợp tác với doanh nghiệp ở ít nhất 01 ngành/nghề trong đó có cán bộ của doanh nghiệp đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm tham gia giảng dạy. Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, trên 90% sinh viên có việc làm phù hợp với ngành, nghề được đào tạo.
- Hoàn thiện và đào tạo 07 chương trình đào tạo chất lượng cao hệ trung cấp và cao đẳng nghề: Điện tử công nghiệp, KT máy lạnh và điều hòa không khí, Điện công nghiệp, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Công nghệ thông tin (Ứng dụng phần mềm), KT sửa chữa, lắp ráp máy tính.
- Xây dựng cơ sở vật chất của trường đạt tiêu chuẩn Trường chuẩn quốc tế của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội về tổng diện tích trường, diện tích xây dựng, diện tích giảng đường/phòng học lý thuyết, thiết bị dạy nghề, phòng thí nghiệm/phòng học thực hành, ký túc xá, cơ sở văn hoá – thể thao.
- Học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp nghề đạt chuẩn kỹ năng nghề theo chuẩn Quốc gia, ASEAN và Quốc tế.
- Hàng năm, học sinh, sinh viên có đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng được công nhận hoặc đạt giải tại các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia/ khu vực/ quốc tế.
VI. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN
Thực hiện đồng bộ hệ thống 8 giải pháp sau:
- Đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; thực hiện liên kết đào tạo với các trường đại học kỹ thuật, các cơ sở sản xuất áp dụng chương trình, giáo trình tiên tiến ;
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;
- Số hóa toàn bộ chương trình đào tạo của trường;
- Tăng cường hợp tác quốc tế;
- Chú trọng đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý;
- Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất;
- Tiến hành đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội;
- Thực hiện xã hội hoá giáo dục để khai thác các nguồn lực cho phát triển nhà trường;
- Đổi mới tổ chức và quản lý, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng nhà trường “kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”
6.1. Đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo; thực hiện liên kết đào tạo quốc tế; áp dụng chương trình, giáo trình tiên tiến.
6.1.1. Không ngừng đổi mới chương trình, nội dung đào tạo
+ Khảo sát và dự báo nhu cầu nhân lực của thị trường lao động và xác định cơ cấu ngành nghề đào tạo phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
+ Xây dựng chương trình phù hợp với nhu cầu thực tế, nâng cao khả năng ứng dụng trong bối cảnh bùng nổ thông tin, công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.
+ Nâng cao kỹ năng nghề, tăng thời lượng tự nghiên cứu và thực hành, ứng dụng trong phân bổ thời gian giữa các môn lý thuyết, các môdul và các môn ứng dụng của mỗi nghề đào tạo .
+ Mời các doanh nghiệp, các chuyên gia theo theo từng lĩnh vực tham gia vào công tác giảng dạy kinh nghiệm thực tiễn và hướng dẫn thực hành, thực tập.
+ Tăng cường đào tạo và bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, tin học, văn hóa nghề và kỹ năng mềm cho học sinh, sinh viên dưới nhiều hình thức chính thức khác nhau
6.1.2. Đổi mới phương pháp giảng dạy theo phương châm lấy người học làm trung tâm, học đi đôi với hành, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.
+ Chuyển đổi mạnh mẽ từ dạy kiến thức là chủ yếu sang dạy phương pháp khai thác thông tin, phương pháp nghiên cứu, phương pháp ứng dụng là chủ yếu
+ Chuyển đổi mạnh mẽ sang dạy kỹ năng nghề, nâng cao khả năng tự nghiên cứu, làm việc độc lập, làm việc theo nhóm và kỹ năng thực hành là chủ yếu
6.1.3. Đào tạo theo môdul để giúp cho người học có thể có được kế hoạch học tập mềm dẻo, linh hoạt.
6.1.4. Tăng cường biên soạn giáo trình, tài liệu tham khảo, chuyên khảo
6.1.5. Đẩy mạnh công tác thanh tra, khảo thí và kiểm định chất lượng, đảm bảo khách quan công bằng và ngăn ngừa tiêu cực trong thi cử
6.1.6. Xúc tiến dạy môn tiếng Anh và theo chương trình, giáo trình tiên tiến hội nhập kinh tế quốc tế.
6.2. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ
6.2.1. Xây dựng các định hướng nghiên cứu khoa học xuất phát từ thực tiễn nhằm phục vụ cho nhu cầu quản lý kỹ thuật, phát triển kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, của các địa phương.
6.2.2. Đề xuất và thực hiện các hợp đồng nghiên cứu và chuyển giao với các doanh nghiệp, các địa phương, các bộ ngành hoặc gắn với đổi mới nội dung chương trình đào tạo và hợp tác quốc tế
6.2.3. Tăng cường nghiên cứu khoa học cho học sinh, sinh viên để bồi dưỡng khả năng sáng tạo về chuyên môn
6.2.4. Thường xuyên tổ chức các cuộc hội thảo để giảng viên, sinh viên có dịp trao đổi, học tập các chuyên gia kỹ thuật của các doanh nghiệp....
6.3. Tăng cường hợp tác quốc tế
6.3.1. Tăng cường hợp tác Quốc tế, xúc tiến quảng bá thương hiệu nhà trường và tổ chức triển khai các chương trình liên kết đào tạo
6.3.2. Liên kết đào tạo theo hướng liên thông, hoặc trao đổi kinh nghiệm đào tạo với các trường có chất lượng trong và ngoài nước
6.3.3. Đẩy mạnh trao đổi học thuật, tổ chức hội thảo và trao đổi giáo viên vớí các trường trong hệ thống dạy nghề.
6.3.4. Chú trọng đến nội dung tăng cường năng lực trong hợp tác quốc tế
6.4. Đào tạo đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý
6.4.1. Chuẩn hóa kỹ năng nghề cho đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn kỹ năng nghề của khu vực ASEAN và quốc tế
6.4.2. Tăng cường cử cán bộ đi học Thạc sĩ, Tiến sĩ, tiếng Anh chuyên ngành ở trong và ngoài nước
6.4.3. Chuẩn hóa quy trình tuyển dụng giảng viên, xây dựng cơ chế thu hút giảng viên, cán bộ kỹ thuật có trình độ cao từ bên ngoài.
6.4.4. Mở các lớp tiếng Anh cho giáo viên, cán bộ quản lý và sinh viên với sự tham gia giảng dạy của giáo viên giỏi trong và ngoài nước.
6.4.5. Tăng cường mời các nhà khoa học, cán bộ kỹ thuật giỏi trong các ngành kinh tế, các nhà hoạt động thực tiễn, các nhà doanh nghiệp thành công tham gia giảng dạy và phối hợp nghiên cứu, hội thảo, chuyển giao khoa học công nghệ
6.5. Xây dựng cơ sở vật chất
6.5.1.Tăng cường trang thiết bị dạy học, đặc biệt chú trọng đầu tư chuẩn 7 nghề được đầu tư trọng điểm đảm bảo đáp ứng yêu cầu đào tạo trình độ ASEAN và quốc tế. Xây dựng các xưởng thực hành, các phòng nghiên cứu với các phần mềm mô phỏng các hoạt động kỹ thuật, kinh tế và kinh doanh.
6.5.2. Xây dựng mạng lưới thông tin, thư viện và thư viện điện tử đủ mạnh.
- Nâng cấp hệ thống internet không dây trong toàn trường.
- Nâng cấp trang web - một nguồn học liệu mở,
- Nối mạng với Trung tâm thông tin của tỉnh, Thư viện quốc gia và các thư viện, các trung tâm thông tin tư liệu của các trường đại học, viện nghiên cứu lớn, các bộ ngành, địa phương trong nước và quốc tế.
6.6. Kiểm định chất lượng và đào tạo theo nhu cầu xã hội
6.6.1. Thực hiện kiểm định chất lượng trường cao đẳng nghề. Xây dựng trường phát triển toàn diện theo các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng trường cao đẳng chất lượng cao.
6.6.2. Đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế căn cứ vào yêu cầu của thực tiễn và sự phát triển bền vững của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
6.6.3. Coi trọng ý kiến của các chuyên gia đào tạo, các nhà tuyển dụng (các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội, các cơ quan quản lý nhà nước), đánh giá của học sinh, sinh viên, phản hồi của các cựu học sinh, sinh viên và nguyện vọng của công chúng.
6.7. Thực hiện xã hội hoá giáo dục, khai thác mọi nguồn lực để phát triển Nhà trường.
6.7.1. Xây dựng kế hoạch phát triển và kế hoạch tài chính hàng năm của nhà trường.
6.7.2. Xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ và cơ chế tài chính theo hướng tự chủ tài chính, hạch toán minh bạch các nguồn thu chi.
6.7.3. Thực hiện xã hội hoá giáo dục, đa dạng hoá các nguồn thu, trong đó tăng dần tỷ trọng thu ngoài ngân sách.
Các nguồn thu chủ yếu của trường gồm:
- Nguồn vốn Nhà nước cấp (các Bộ, ngành, UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
- Tăng các nguồn thu hợp pháp khác của Nhà trường:
+ Từ đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế
+ Nguồn kinh phí từ công tác liên kết đào tạo
+ Nguồn tài trợ của các doanh nghiệp, các cựu học sinh, sinh viên.
+ Nguồn vốn ODA và các nguồn từ các nhà tài trợ khác
+ Vay Ngân hàng và các tổ chức tín dụng khác
6.8. Đổi mới tổ chức và quản lý, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng nhà trường “kỷ cương, tình thương và trách nhiệm”
- Không ngừng đổi mới và sáng tạo trong quản lý
- Tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng uỷ, vai trò chỉ đạo của chính quyền, sự tham gia quản lý và động viên quần chúng của các tổ chức đoàn thể.
- Thực hiện dân chủ hoá trường học, xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, phát huy vai trò trung tâm của học sinh, sinh viên, vai trò làm chủ của học sinh, sinh viên, giảng viên và cán bộ phục vụ đào tạo.
VII. VAI TRÒ CỦA CÁC ĐƠN VỊ
7.1. Ban Giám hiệu:
- Ban giám hiệu đóng vai trò chủ đạo trong tiến trình phát triển của Nhà trường. Đảm bảo khối đoàn kết nội bộ, phát huy dân chủ trong cơ quan và quan tâm đầy đủ đến các nhu cầu vật chất, tinh thần của toàn bộ nhân viên, giáo viên, học sinh, sinh viên toàn trường.
- Chỉ đạo xây dựng, phê duyệt và chỉ đạo thực hiện các đề án cụ thể để thực hiện các kế hoạch chiến lược.
- Là cầu nối, phổ biến, truyền đạt các chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ, Bộ LĐTB&XH, Tổng cục dạy nghề và của UBND tỉnh Vĩnh Phúc tới cán bộ viên chức, học sinh, sinh viên toàn trường.
- Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án, chương trình nghiên cứu lớn có liên quan đến nhiều đơn vị.
- Tổ chức đánh giá thực hiện kế hoạch hành động hàng năm của từng đơn vị, toàn Trường và thực hiện kế hoạch chiến lược của toàn Trường theo từng giai đoạn phát triển.
7.2. Các khoa, phòng, trung tâm của nhà trường.
Chủ động xây dựng, đề nghị Trường phê duyệt, sau đó tổ chức thực hiện kế hoạch hành động hàng năm của nhà trường trong lĩnh vực mà đơn vị mình phụ trách gồm:
- Mục tiêu dài hạn cần đạt: nội dung thực hiện và chỉ tiêu phấn đấu
- Lộ trình thời gian kèm theo các mục tiêu ngắn hạn, trung hạn
- Đơn vị chủ trì và đơn vị phối hợp
- Biện pháp triển khai thực hiện và kinh phí thực hiện
7.3. Các doanh nghiệp
- Cung cấp nhu cầu “đặt hàng” các sản phẩm đào tạo, nghiên cứu và dịch vụ với trường.
- Tham gia xây dựng và phản biện các chương trình đào tạo của trường.
- Hỗ trợ tài chính góp phần thực hiện các chương trình liên kết, hợp tác, các dự án, các công trình nghiên cứu của trường.
- Tham gia quản lý (kiêm nhiệm lãnh đạo một số đơn vị đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ hoặc công ty cổ phần).
7.4. Học sinh, sinh viên và cựu học sinh, sinh viên
- Học sinh, sinh viên ra sức học tập và rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp
- Học sinh, sinh viên và cựu học sinh, sinh viên tham gia góp ý nhằm cải tiến nội dung, chương trình đào tạo của nhà trường; tự hào về truyền thống của nhà trường và tham gia quảng bá thương hiệu của nhà trường.
P. HIỆU TRƯỞNG
Th.s Nguyễn Trung Thiện